Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

Nỗi đau...




" Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe "
( TCS - Đại bác ru đêm )

Tình cờ vào blog của một người bạn, người em online . Người này tôi rất quý mến từ lâu , qua mấy forum trước khi biết blog của cậu ấy ! Mến từ giọng văn , cách tranh luận đến cả khuôn mặt thư sinh của nó ! Hình như sinh năm 85-86 gì đó, đang học Đại học tại Hà nội và rất muốn được cầm súng nếu có chiến tranh với Trung quốc . Thế mà tôi đã bị shok khi xem máy entries mới của nó . Không phải là vì tôi chưa từng biết chuyện đó . Có thể tôi còn biết nhiều hơn nó nhiều lần là khác . Tôi nhắn PM cho nó , khuyên gỡ bài đó xuống .Và hôm nay nó lên Chat với tôi báo rằng sẽ gỡ bỏ một số hình ảnh “ nhạy cảm “ ấy đi .
Năm nay các hệ thống truyền tin chính thống của VN tuyên truyền kỷ niệm 40 năm chiến thắng Mậu thân ( 1968) . Ừa, thì là chiến thắng về ngoại giao tuy về quân sự thì không thể gọi là chiến thắng . Nhưng thằng em kia lại post hình ảnh về “ những nạn nhân của vụ thảm sát của Việt cộng tại Huế vào dịp Tết Mậu thân “ . Những hố chôn người tập thể , những người vợ ôm xác chồng , những đứa bé chít khăn tang, những vòng hoa và nhang khói … Tôi đã từng hỏi những người dân Huế về sự kiện này , đã từng hỏi về những người dân Quảng trị về “ đại lộ kinh hoàng “ 72 , đã từng hỏi những người Hà nội về Khâm Thiên …. Tất cả đều trả lời là có thật ! Chiến tranh dù chính nghĩa hay vô nghĩa thì đều không thể tránh khỏi sự mất mát . Và nỗi đau của những người mẹ, người vợ… mất con, mất chồng đều giống nhau dù nhân danh cho chân lý khác nhau !
Hôm nay môt anh nhà văn quân đội gửi cho link về việc tổ chức tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật tại Budapest . PTD tôi thích nhất với sự lãng mạn hào hùng của “ TS Đông, TS Tây “ hay “ Lửa đèn “ . Thậm chí cả bài thơ về mất mát “ Vòng trắng “ đã từng bị cấm . Nói chung là phía “ Cách mạng “ rất đạt trong khâu tuyên truyền . Tôi đã từng phấn khích khi đọc Nguyễn Đình Thi : “ Gặp em trên cao lộng gío Rừng Trường sơn ào ào lá đỏ “ hay Dương Hương Ly : “ Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao , dù đạn bom man rợ thét gào …” Hồi còn sinh viên , có lần tôi thấy một người đàn ông dắt cô bé cỡ tuổi tụi tôi , lúi húi bên chiếc xe hơi “ Zaparoje “ nhỏ xíu ( kiểu như Traban của Đông Đức cũ ) và bọn bạn xì xào : “ Bùi Minh Quốc và con gái đấy ! “ Lúc đó tuy đang thuộc tuổi lếu láo nhưng tôi đã từng thật sự thương xót, cảm động khi nghĩ đến mẹ của cô bé kia – nhà thơ Dương Thị Xuân Quý đã ngã xuống trong chiến tranh :

” Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên…"

Và hôm nay , khi đọc xong link về Phạm tiến Duật , không hiểu sao trong đầu óc tôi lại thấp thoáng những câu thơ của Lê Thị Ý - một người miền Nam nhìn về nổi đau, nỗi mất mát của chiến tranh :

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ…”

Khi tâm sự điều này với một người bạn gái qua mạng, cô ấy trả lời :
” Em đã từng đọc văn học của phía “ bên kia “ . Có thể em quen với cách của “ bên mình “ nên em thấy " bên kia ‘ họ tả “ trần trụi “ thế nào ấy ? “
Tôi trả lời :
”Có thể bên kia họ không có “ lãng mạn cách mạng “ nhưng nỗi đau của họ không hề trừu tượng chút nào cả ! Đó là nổi đau thật của những con người thật ! “
Ừ,nếu Lê Anh Xuân cùng “ Dáng đứng Việt nam “ với :

” Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng “

Thì “ bên kia “ có Linh Phương :

“Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín đời anh …”

Thế hệ chúng tôi đã từng chứng kiến chiến tranh nhưng chưa kịp đủ lớn để cầm súng tham gia cuộc “ nội chiến “ đó . Song sau đó chúng tôi lại bị cuốn lôi vào một cuộc chiến tranh khác nhưng may thay kẻ thù không phải là những người VN . Chúng tối đã cảm nhận được nổi đau, sự chết chóc , lòng hận thù , sợ hãi thậm chí cả hèn nhát trong mỗi chính bản thân mình …
Tôi rất thích sự bi hùng trong " Tình ca “ của Hoàng Việt viết khi ông đang ở Sofia ( Bulgaria) :

” Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa
Ta cất tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba …"

Và tôi đã từng muốn khóc khi nghe “Bản tình ca cho em “ của Ngô Thụy Miên viết khi ông lay lắt trong trại tỵ nạn ở Malaysia :

” Anh hát cho em bài tình ca thiết tha
Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa …”

Có thể ai cho đó là sự so sánh khập khiễng . Nhưng với tôi không có gì là “ siêu thực ‘ trong cõi đời này cả . Niềm vui, nỗi buồn , sự mất mát , lòng tin… đều hiện diện . Không bị phân biệt bởi kẻ thắng, ngưừoi thua , “ quân ta “, “ quân địch “ … Tất cả chúng ta đều là con người và mọi nổi đau đều là có thật ! Dù ai đó có muốn dấu hoặc khoác cho chúng những danh từ hoa mỹ …
Và may thay cho những thế hệ sau tôi đã không hề cảm nhận hoặc biết được sự hiện diện của những nỗi đau đó ...

P.S. Một số bài thơ về sự mất mát của chiến tranh từ hai phía :

Vòng trắng




Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
( Phạm Tiến Duật )

Tưởng Như Còn Người Yêu

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu

Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ôi ! Thèm nụ hôn quen
Chong đèn, hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ

Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !
( Lê Thị Ý )


Ta Về

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta .
( Tô Thùy Yên - Viết sau khi ra khỏi trại tù được mang danh " cải tạo " sau 1975 )










15 nhận xét:

  1. Những dòng thơ anh trích cũng là những dòng thơ một thời em đã mê, và cho đến tận bây giờ vẫn thế. Chiến tranh: được và mất, niềm vui và nỗi đau, vinh quang và thất bại - cái nào cũng phải một cái giá quá đắt. Và người phải gánh chịu những thiệt thòi mất mát trước hết là những người lính và người thân của họ. Họ có quyền lựa chọn không? Em nghĩ rằng không... Người lính trong thời nào cũng đều được trân trọng như nhau.
    Ðọc những dòng thơ của 2 chiến tuyến, đọc Nỗi buồn chiến tranh, đọc Bến không chồng, đọc Truyện kể năm 2000 hay Ðêm giữa ban ngày... để rồi giật mình, để rồi xót xa và để thương cho dân tộc mình quá...

    Trả lờiXóa
  2. Những dòng thơ anh trích cũng là những dòng thơ một thời em đã mê, và cho đến tận bây giờ vẫn thế. Chiến tranh: được và mất, niềm vui và nỗi đau, vinh quang và thất bại - cái nào cũng phải một cái giá quá đắt. Và người phải gánh chịu những thiệt thòi mất mát trước hết là những người lính và người thân của họ. Họ có quyền lựa chọn không? Em nghĩ rằng không... Người lính trong thời nào cũng đều được trân trọng như nhau.
    Ðọc những dòng thơ của 2 chiến tuyến, đọc Nỗi buồn chiến tranh, đọc Bến không chồng, đọc Truyện kể năm 2000 hay Ðêm giữa ban ngày... để rồi giật mình, để rồi xót xa và để thương cho dân tộc mình quá...

    Trả lờiXóa
  3. Khu vườn yên tĩnhlúc 00:29 28 tháng 1, 2008

    Những nỗi đau, giá mà không có những nỗi đau. Chỉ có những người thân yêu, những người ruột thịt mới cảm nhận hết được những nỗi đau này.

    Trả lờiXóa
  4. Mẹ già tưới nước trồng rau
    Nghe tin xóm làng kêu gào
    Quân thù đã bắt được con
    Đem ra giữa chợ cắt đầu
    Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
    Nghẹn ngào không nói một câu
    Mang khăn gói đi lấy đầu
    Đường về thôn xóm buồn teo
    Xa xa tiếng chuông chùa gieo
    Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
    ---
    Tự nhiên sáng đi làm, thấy anh bạn cùng phòng nói về bài này, rồi mở bài này, với giọng Thái Thanh, quả tình là não lòng... nhưng đó lại là sự thật lịch sử...

    Trả lờiXóa
  5. Sinh ra trong 1 gia đình cũng xuất thân từ chế độ cũ , nhưng chưa có tuổi để trải qua những ngày tháng đó .
    Không biết chiến tranh , không trải qua đói khổ , không biết sự mất mát chia ly là gì .
    Nhưng cũng đủ tuổi để hiểu rằng đã là mất mát , chết chóc , sinh ly tử biệt do chiến tranh gây ra thì không phân biệt ai hay bất kì cái gì .
    Dù địch hay là ta , dù đấu tranh cho bên nào thì khi ngã xuống cũng là 1 sự mất mát , đau thương cho gia đình , người thân của người đó !

    Trả lờiXóa
  6. em nhắn anh, nên anh đã đọc kĩ. Bài này em viết được về văn. Nhunưg ko chính xác về nhận thưc một thế giới quan nhiều mặt.chiến tranh chả ai thích cả. nó đã chính được các nhà văn miền bắc vạch ra các mặt trái củanó sau chiến tranh, dù trước đó họ chính" góp lửa vào chiến cuộc" như nhà phê bình Đặng tiến viết.Ví như các nhà thơ như duy, như duât..và văn như kHải đã bộc lộ ở những tầng sâu v.v... Còn việc thi thoảng bấy nay người ta kỉ niệm nhắc lại quá khứ ca ngợi mặt hoành tráng của cuộc chiến xưa là hợp lẽ tự nhiên phải thế.Đó là cuộc lẽ. Lễ , điếu, phúng ko ai nói điều trái, mặt thứ hai; đó là văn hoá chung của con người.
    E nhắc lại việc Huế. Việc ấy ai chả biết. Rồ đay nhười ta, tới ki nào đó thuận có thể sẽ làm những cầu siêu cho tất cả, còn chiến tranh bao giờ chảcó máu. nó ko là cuộc chơi gái chân dài.
    Em có vẻ cho rằng các nhà văn quân đội đã sai lầm...hê hê, cả hai bên đều góp lửa và góp phần làm cụoc chiến chấm dứt. điều này chắc em chưa hiểu vì em đâu là người trong cuộc. Còn điều nữa, họ là những kẻ sinh ra trong chiến cuộc và tự tắ đi sau chiến cuộc. Bấy nay em có căm ghét việc Tầu chiếm Honag sa ko? Nếu có chiế n tranh chả hạn, ko cầgm sung được, em có viết cổ vũ cácchiến sĩ ta chống ngoại tộc ko? Thé đơn giản vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Hahaha-Khích bác chọc ngoáy mãi rồi cuối cùng anh Xuýt mới thèm đại giá quang lâm.Tuy nhiên có 1 điều cần fải lưu ý,bác mặc dù chưa đến mức như Nhạc Mất Quần trong Tếu Ngạo Jang Hồ-"dẫn đao tự cung" nhưng dù sao súng của bác cũng chỉ để làm kiểng-khoe mẽ với chỉ em chứ theo 1 nguồn tin mật mà em được biết thì súng anh hỏng từ lâu lẩu lầu lâu rùi.Vậy nên em 0 có j fải lăn tăn về việc fải tìm con rơi con vãi cho bác.Em để thời jain du hí ngắm cảnh sướng hơn.Thời bác cầm súng oánh Miên là cái thời mông muội của nhà ta,có khi ngủ với gái Miên bác lại đeo "áo mưa" vào ngón áp út không chừng.:P.Thôi, chọc phá bác thế đủ rồi, em lượn đây.Khi nào về nhớ kêu em nhá.Chúc bác ăn tết vui vẻ,mà đừng quên trút bỏ cái sự giả nai gần đây của bác-nó 0 đúng với bản chất thật của bác tý nào-hheheghee.Giữ gìn sức khoẻ đại ca-em nghe nói ở Mát giờ lạnh âm 20 độ-đừng ra ngoài đi lung tung nhé

    Trả lờiXóa
  8. Bác đã đọc Đại học máu của hà thúc sinh chưa?Có chiến tranh là fải có mất mát đau thương rồi-0 thế tránhb khỏi-mà bác có lẽ là hiểu hơn ai hết.Thế những quả lấy sọ lính Polpot ra laà bia tập bắn,lấy đầu chúng nó kê nhóm bếp, moi gan uống máu chúng nó-thì 0 có tội hay sao?Hay là vào thời đấy-nhg hành vi đấy được ngầm khuyến khiíh?

    Trả lờiXóa
  9. Chiến tranh bao giờ cũng có những đau thương dù là ở phía bên này hay bên kia nhưng tiếc là người thắng trận kẻ thua trận dù là anh em 1 nhà nhưng lại vẫn còn cái reo rắc cái hận thù tầm ngầm bên trong

    Trả lờiXóa
  10. VuQuocAnh{{ Tuổi trẻ Việt Nam-NBTD}}lúc 03:06 31 tháng 1, 2008

    Tinh co ghe qua day,doc cai entry nay long thay nang triu!
    Blog hay va day y nghia

    Trả lờiXóa
  11. Có một người bạn PM , thấy hợp với nội dung bài này nên đưa ra đây cho mọi người tham khảo :
    " Nhân thấy cậu cũng đang muốn nghiệm lại cuộc chiến tranh vừa qua, mỗ cũng có vài lời bàn:
    Để chống lại chế độ thuộc dịa Pháp, rất nhiều nhân sĩ yêu nước đã dấn thân theo những con đường chọn lựa khác nhau. Kết quả những người muốn mượn các thế lực ngoại bang trợ lực đã thắng, nhưng cái giá phải trả cho việc không đủ nội lực mà phải mượn ngoại lực đó quá đắt: sự lệ thuộc chính trị. Cuộc kháng chiến chống pháp đó kéo dài kéo theo sự hao tổn nguyên khí quốc gia, mà hậu quả là những thành phần tinh hoa nhất đã hy sinh gần hết. Những nhân vật còn lại giữ những cương vị cao nhầt phần lớn không đủ tâm cũng như khả năng để lèo lái thoát khỏi sự lệ thuộc ngoại bang. Điều này dẫn tới sự chia cắt đất nước. Miễn bắc lệ thuộc vào TQ và LX, miền nam lệ thuộc vào Mỹ. Mượn con bài chiến tranh ý thức hệ mà thực chất là xung đột lợi ích giữa các cường quốc LX, TQ và Mỹ, các nhân vật chính trị của cả 2 miền Nam Bắc phần lớn đều tự nguyện hay vô ý thức trở thành những bù nhìn chịu sự giật dây. Kết quả hàng chục triệu người Việt nam đã chết, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Vì vậy nói cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 là nội chiến cũng không đúng, bởi vì kẻ điều khiển để hưởng lợi chính lại là ngoại bang."

    Trả lờiXóa
  12. Lâu lắm mới dzô lại Blog, cái em ghé thăm thứ 2 là blog của bác (sau của em). Đọc những dòng này, thật buồn, thật thảm. Không hiểu tại sao một cậu SV ĐH HN ăn cơm CS, học ở trường của CS lại đi nói là "cuộc thảm sát của VS ở Huế". Những người lính Bắc Việt, họ đã chiến đấu, hy sinh, bỏ cả tuổi xuân vì độc lập, tự do thống nhất nước nhà. Ta có ngày nay là nhờ có họ. Tại sao lại fỉ báng họ kiểu ấy.

    Trả lờiXóa
  13. chiến tranh là cuộc chơi của các ông lớn

    Trả lờiXóa
  14. Tham sat Mau Than co the xem bai phong van Bui Tin tren BBC Vietnamese (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/01/080121_tet_offensive.shtml). Co mot su that ma chung ta can phai thua nhan: Chien tranh la man ro, la tan bao, va mot khi da tham gia vao chien tranh thi co' nhung viec xay ra hoan toan ngoai du doan ma chung ta ko the kiem soat' duoc. Khi tham chien' neu' ben nao noi' minh hoan toan vo toi, chua tung lam dieu gi hai den dan thuong thi tuc' la ben day' noi' lao'. TUY NHIEN, khong the danh' do^`ng kieu giet 1 nguoi thi cung la giet nguoi, ma giet 1000 nguoi cung la giet nguoi.
    Lat lai ho so chien tranh Viet Nam, toi phan doi luan dieu cho rang cac nhan vat chinh tri 2 mien Nam Bac deu la nhung nhan vat bu nhin bi giat day. Chinh phu Nam Viet Nam chinh xac la bu nhin, ngay ca bao chi' phuong Tay cung goi ho la puppet government. Trong khi do' chinh phu mien Bac la mot chinh phu doc lap, LX va TQ co' the tac' dong den ho o 1 muc do nhat' dinh, nhung khong the sai ho phai lam theo y' minh. Ngay nguoi My cung da tung thua nhan sai lam cua ho la co the nghi rang thong qua LX va TQ de thao tung' mien Bac, nhung su that khong phai vay.
    ahT

    Trả lờiXóa
  15. em thik entry nàY:)..nhưng em k đồng ý với bác về việc "lãng mạn CM"..em thấy sự lãng mạn trong thơ ca, âm nhạc nói riêng và nền văn học-nghệ thuật của phía "bên kia"(theo ý bác)..lãng mạn gấp bội phần "phía bên này"...đi vào lòng ngưới 1 cách k "khiên cưỡng, gượng ép"..
    quyển ĐẠI HỌC MÁU em giới thiệu cho chú NAM đọc cũng rất ok:)
    btw, nếu có thời gian, i recommend"SG ngày dài nhất" -DUYÊN ANH
    Chào bác thân ái và quyết thắng=))

    Trả lờiXóa