Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2007

Xấu zai !





" Em có xinh không ? Em hơi bị xinh đấy ! " ( Từ Nữ Triệu Vương - nữ văn sĩ VN thời hiện tại )


Tự nhiên có một blogger nhảy qua bên quick comment hỏi : “ Anh có lùn và bị hói không ? “ . Ớ ra chẳng thủng tại sao nó lại hỏi mình như vậy ? Hỏi nó thì nó than thở : “ Có một thằng chó má động đến nổi đau của em anh à ! Em có đầy đủ những yếu tố mà nó kể ra ! “ Theo cái link nó cho , vào xem thì mới hiểu tại sao nó lại hỏi mình như vậy ? Siêu mẫu Đức Vĩnh tuyên bố : " Đàn ông hèn khi túi tiền cạn, độ sex giảm, chiều cao khiêm tốn và đầu bị hói... “

Đọc mà cứ giật mình thon thót ! Liền lôi một thằng em dáng có vẻ cao ráo ra đứng cùng trước gưong để so sánh .Hơ, nó cao hơn mình chút xíu . Mà chả biết tại tóc nó bồng lên hay nó lén nhón chân lên nữa ?

“ Ơ, hồi xưa khám sức khỏe vào Đại học thì tao cao hơn cả mày bây giờ ấy ! “

“ Bố ạ, đó là hồi xưa chứ bây giờ lưng bố còng xuống theo năm tháng, em cao hơn bố là đúng rồi ! “

Lấy tay vân vê đỉnh đầu :

“ Thế mày xem dùm anh xem có bị hói không ? “

“ Bố cứ lo vớ vẫn, làm như mình là vĩ nhân ấy không bằng ! Chỉ những người thông minh mới bị hói thôi ! “

Thằng này đểu , nó khen mình không hói nhưng ngầm chê mình ngu đấy mà ! Nhưng dù sao cũng được an ủi phần nào !

Chẹp chẹp … Còn hai tiêu chuẩn nữa . Túi tiền cạn ư ? Cái này thì không thể bào chữa được rồi vì bị di truyền . Vì thế khi yêu ai tớ cũng luôn hỏi han : “ Em đã bắt đầu thấy ân hận chưa em ? Khi lỡ trót yêu anh cái thằng quanh năm túng thiếu ! “

Rụt rè hỏi thằng cu em :

“ Thế, thế, thế … một đêm mày …được mấy nhát ? “

Sau khi nghe được câu trả lời , tớ nhãy cỡn lên sung sướng :

“ Ô, đồ thanh niên hoi ! Hồi tao sinh viên , tao gấp hai ba lần mày bây giờ ! “

Nó cười hô hố :

“ Thôi đi bố , cứ ở đó mà sinh tướng với quá khứ hào hùng ! Thế em hỏi anh chứ lâu nay anh đã check lại chưa ? Vấn đề không phải là số lượng mà là cường độ, anh hiểu không ? “

Tớ nghệt mặt ra , giơ tay gãi cái đầu hình như đang có triệu chứng sắp bị hói :

“ Ừa nhỉ !!! “

Khổ thế đấy , ở Tây hoài nên đâm ra mất gốc ! Chả biết thân, biết phận cho cái hình hài rũ rượi của mình ! Nên cứ hoang tưởng là ta đây ngon lắm . Bởi các cô bé tóc vàng mắt xanh vẫn quan niệm : “ Đàn ông chỉ cần đẹp hơn con khỉ một chút ! “ Thế là tớ thường vênh mặt huyênh hoang : “ Tao so với khỉ thì chắc chắn là tao đẹp hơn rồi vì tao còn mặc đồ ! Chứ lúc cởi quần áo ra thì chưa biết ai đẹp hơn ai ! “ Các cô bé cuời rú lên, đè tớ ra : “ Nào, để kiểm tra xem ai đẹp hơn ai nào ! “

Về nước , quen thói tớ cứ vô tư, xấn xổ đến với chị em để rồi được nhận …những cái nhìn sợ sệt hoặc ghẻ lạnh ! Một ông anh sau khi nghe tớ tâm sự đã giải thích : “ Mày không biết là con người ta thiếu cái gì thì đều muốn cái ấy hả ? Như tụi con gái VN ấy, xem đá bóng thì cứ xuýt xoa : “ Ôi tiếc quá, đội Ý tòan những anh handsome mà đã bị loại rồi ! “ Còn mày , mày xem lại gương đi ! Nửa vượn, nửa đười ươi ! “

Ôi tủi thân cơ chứ ! “Còn duyên kẻ đón người đưa .Hết duyên đi sớm ,về trưa một mình ! “ Mình thì có qué gì đâu mà còn hay hết ! Nên đành cứ mãi “ đi về một mình tôi “ thôi !

Mà công nhận xấu zai khổ thật . Cứ bỏ qua mấy chuyện yêu đương, xếch xủng với chị em đi thì ngay trong đời sống hàng ngày những người không có nhan sắc như tớ đều rất thiệt thòi .

Ví dụ trong công việc thì tớ luôn bị đẩy đi đến những chốn rừng thiêng , nước độc đầy bom rơi, đạn lạc . .. Còn những cuộc tiếp đón, chiêu đãi , tiệc tùng… chốn phồn hoa đô hội thì toàn mấy thằng cao to, trai tráng mặc đồ vest, thắt cà vạt đi vì đó là “ đại diện cho bộ mặt của Cơ quan “ !

Tớ có một thằng đàn em cũng thuộc diện đẹp giai theo cách đánh giá của các cô gái Việt . Một lần nó thủ thỉ :

“ Anh à , ông N. hứa cho em làm đại diện cho Công ty ông ấy nhưng em từ chối ! “

“ Ôi sao ngốc thế ? Công ty thằng N. ở VN hơi được nổi tiếng đấy , anh đang muốn làm Đại diện mà không được đây này ! “

“ Nhưng mà kinh bỏ xừ đi được . Ông ấy ngồi với em mà cứ khoác vai, ôm cổ ! “

“ Ơ, thì có sao đâu . Thì anh em mình trước đây vẫn thế mà ! “
” Vâng, nhưng anh em mình vô tư . Còn ông này ôm em rồi còn thò tay xuống …bóp chim em nữa ! “

Hôhôhô … té ra không chỉ đàn bà VN mê zai xinh mà đàn ông cũng vậy ! Bây giờ thì tớ hiểu tại sao bên diễn đàn Tathy nó ban nick tớ rồi ! Chả là cái vụ Vàng Anh , admin có lên tiếng cảnh cáo là không được động chạm trực tiếp hoặc ám chỉ liên quan đến tên của em ấy ! Tớ chỉ post đúng hai chử : “ No comment ! “ thì liền lập tức bị cho treo lên cột điện ! Ấm ức quá, hỏi một member thuộc diện “ hải đăng” trong Tathy thì được trả lời : “ Tại bác xấu zai quá ! “ Nghe nó nói mà không bực mình hoặc tủi thân . Chỉ thấy ghen tị : Mịa, cái bọn đàn ông VN giàu có rồi rững mở , bệnh hoạn thật ! Giờ chơi gái chưa đủ , tụi nó còn muốn cả giai nữa ! Chả bù cho mình, đầu óc " đen tối " , suốt ngày chỉ nghĩ tới chị em !!!

Ơ, nhưng thật ra cũng có lúc tớ … thích zai đấy chứ ! Có một thằng học chung thành phố nhưng khác trường . Nó cao lớn , trắng trẻo , õng ẹo … Một lần bắt gặp nó ở hành lang Ký túc xá ,tớ nhảy xổ tới chộp tay vào cái mông nần nẫn của nó nhéo cho một phát rồi hét toáng lên bằng tiếng Nga : “ H. , tao muốn mày ! “ Nó đá lông nheo , ngón tay day day vào trán tớ, giọng đong đưa : “ Misha , mày không đẹp trai ! Nếu mà người khác thì tao có thể cho không nhưng với mày, nếu muốn thì nôn tiền ra nhé ! “ Giờ nó đang dạy tại một trường Đại học ở Mỹ và nếu nhìn trong ảnh cưới thì dung nhan của vợ nó cũng chỉ bằng …cỡ tớ là cùng !!!

Thế mới hay với “ nhan sắc “ của mình thì ở VN chả có hy vọng có “ vẹo “ gì cả ! Gái Việt không yêu đã đành mà zai An nam nó cũng chả thèm rớ tới !

Thế nên tớ đành hùng dũng tuyên bố : “ Ta thà làm khỉ xứ Tây còn hơn làm zai đất Việt ! “

P.S. Viết xong Entry này tớ sẽ soi gương một lần nữa trước khi lục túi quần xem còn bao nhiêu xèng nữa , nếu đủ thì sẽ đi check …khả năng kia !!!


Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

" Đất ôm anh đi vào cội nguồn ..."




“ Khi đất nước tôi không còn giết nhau
Mẹ già lên núi tìm xương con mình …” ( Tôi sẽ đi thăm – T.C.S.)


Có một lần đi trên đường Điện Biên Phủ , chỉ công viên Lê Văn Tám cho cô bé đi cùng xe :

“ Trước đấy là nghiã trang Mạc Đĩnh Chi ,nơi chôn cất toàn tướng lĩnh cao cấp và người giàu của miền Nam đó em ! “

Cô bé hồn nhiên trả lời :

“ Dạ, em nghe ba em kể là ở Biên Hòa còn có nghĩa trang lính Ngụy lớn lắm nữa , giờ bị phá rồi ! “

Nghe giọng nói vô tư của cô bé mà chạnh lòng . Ba của cô bé đã từng là một sĩ quan cấp úy của chế độ miền Nam cũ , cũng từng lăn lóc ở trại cải tạo sau 75 . Nhưng đối với lớp trẻ sau này thì khái niệm chiến tranh đã quá xa vời và nhận thức về lịch sử cũng mơ hồ như thế . Chỉ biết lắc đầu :

“ Em không nên dùng từ " Ngụy" nữa ! Nói vậy , lỡ ba em nghe thấy, ba buồn ! “

Cô bé bẽn lẽn gật đầu :

“Dạ , em sẽ ráng nhớ ! “

Vô tình đọc bài viết về chuyện đi tìm mộ của những người sĩ quan miền Nam chết trong thời gian bị giam giữ " cải tạo " ngoài Bắc . Đọc mà rùng mình bởi một nỗi niềm xót xa , thương cảm … Rồi ai cũng trở về với cát bụi , “ không hận thù nằm chết như mơ “ … Không còn chiến tuyến với những sự đối đầu về lý tửong , về chính trị … Chỉ còn là những hình hài da vàng, mũi tẹt hòa thân vào lòng đất Mẹ Việt nam … Nhưng sao vẫn còn sự phân chia khác biệt sau khi giã từ cõi đời ? Những người lính phía " Cách mạng" hy sinh đã và đang được đem về với gia đình . Ngay cả với cả những người lính Mỹ cũng vậy . Chỉ còn những người lính miền Nam vẫn vất vưởng , vô danh …Chỉ vì họ là kẻ bại trận , bị miệt danh là “ Ngụy “ thôi sao ? Tại thủ đô Mỹ vẫn có nghĩa trang và tưởng đài kỷ niệm những người lính miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến Nam – Bắc của lịch sử nước Mỹ . Ở Nga vẫn có nghĩa trang lính Đức và ngược lại ở Đức vẫn có nghĩa địa lính Xô viết bỏ mình trong cuộc chiến chống lại nhau . Tất cả các nghĩa trang đấy đều được chăm sóc chu đáo , các vị lãnh đạo quốc gia vẫn đến thăm viếng , dân chúng vẫn mang hoa tới mà không cần chờ phải đến dịp lễ hội gì … Còn mỗi nước mình …

" Con ngủ đi con
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương .
Hai mươi năm đàn con đi lính
Đi rồi không về, đứa con da vàng cuả mẹ .
Ngủ đi con .
Ru con, ru đã hai lần
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay ... "


Copy tiếp theo từ báo NgườiViệt một bài viết về cuộc hành trình của người con gái đi tìm cha … Không có dính dáng gì “ chính trị “ ở đây cả ! Chỉ còn lại … tình người !!!


31 năm sau, người lính ấy về với gia đình...


Nguyễn Thị Bích Thảo:

“Gia đình nhận giấy báo tử năm 1980, nhưng không biết ba được chôn ở đâu.”

“Ba cháu tên Nô. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.”

Trung Tá Lê Chu:

“Chính bác đã chôn ba cháu năm 1977, trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

31 năm sau, người thiếu nữ ấy đã tìm lại được cha mình!

Cô không ôm choàng lấy cha, “cao lớn, ngăm đen,” như ký ức cô vẫn nhớ về ông.

Cô ôm lấy chiếc bình sứ, hình hoa sen, bên trong đựng tro cốt cha. Cuối cùng, từ Hoa Kỳ, cô đã tìm lại được cha mình mãi tận Hoàng Liên Sơn xa xôi.

Cô tìm lại cha trong một tình cờ của cuộc sống. Cô khóc: “Cuối cùng, cha đã về lại với chúng tôi!”

Texas, một ngày Mùa Xuân...

Người thiếu nữ ấy có tên Nguyễn Thị Bích Thảo. Cô nhớ như in một ngày cuối Tháng Ba, 2006. Từ Kansas, Thảo dắt hai con trai, 16 và 6 tuổi, về Arlington, Texas, thăm bà ngoại và gia đình người em gái. Sau khi thăm gia đình, Thảo chuẩn bị về lại Kansas. Tai nạn xe, Thảo phải đưa con trai đến một bác sĩ Việt Nam tại thành phố Arlington.

Trong lúc ngồi đợi tại phòng khám. Thảo lân la bắt chuyện cùng một người đàn ông “trạc tuổi cha mình,” đang đưa vợ đi khám bệnh.

Thảo không bao giờ nghĩ rằng câu chuyện bâng quơ ấy, cuối cùng, sẽ đóng lại nỗi dằn vặt trong lòng mình.

“Bác ở đây?”

“Cháu ở Kansas.”

“Cháu qua Mỹ năm 1993.”

“Dạ, trước đây ba cháu cũng ở trong quân đội.”

“Ba cháu cũng ở tù Hoàng Liên Sơn.”

“Gia đình nhận giấy báo tử năm 1980, nhưng không biết cha được chôn ở đâu.”

“Ba cháu tên là Nguyễn Văn Nô. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.”

Im lặng giây lát, người đàn ông đang ngồi trước mặt Thảo, điềm đạm: “Chính bác đã chôn ba cháu. Trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

Thảo không tin hẳn. Làm sao có sự tình cờ như thế. Làm sao, trong cái phòng bác sĩ nhỏ bé của thành phố Arlington này, lại có một người khẳng định đã chôn cất cha mình trong một Mùa Ðông gần 30 năm trước.

Nhưng người đàn ông ấy khẳng định như vậy. Và ông vẽ vội một bản đồ chỉ đường đi đến đồi Cây Khế!

Kỷ vật người quá cố

Quả thật, có một ngọn đồi mang tên “Cây Khế” tại Hoàng Liên Sơn!

Từ Hoa Kỳ, Thảo gởi $500 cho người anh rể của chồng mình, đang sinh sống tại Cần Thơ. Người anh rể sẽ đi tìm ngôi mộ của “Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, chôn trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

“Mọi chuyện đều suông sẽ, chắc có cha phù hộ.” Thảo cho biết. Từ Cần Thơ, người anh rể đi Sài Gòn. Từ Sài Gòn, anh ra Hà Nội. Và từ Hà Nội, anh đi xe lửa lên Hoàng Liên Sơn. “Anh đến được ngay cái nhà vẽ trên giấy. Anh gặp chủ nhà, một người đàn ông tốt bụng, đã giữ gìn toàn bộ mồ mả của những tù nhân đã chết, được chôn tại đây.”

Một giờ sáng tại Hoa Kỳ, Thảo nhận điện thoại của người anh: “Ðã tìm được mộ cha!”

Thảo vẫn chưa tin. Không thể đơn giản như thế được; gần 30 năm rồi còn gì!

Dưới nấm mộ nông kia, vài mảnh xương của người quá cố được chôn cùng một đôi dép râu, một đôi dép nhựa vá chằng chịt bằng dây chì, một gà mên, muỗng, nĩa, dao, bàn chải đánh răng, chiếc lược, và ba cây viết.

Chắc hẳn người ta đã dùng đầu đinh để khắc dấu trên các vật dụng...

Trên chiếc muỗng có chữ N.

Trên cái nĩa có chữ V.

Trên con dao có chữ O.

N, V, O? Nguyễn Văn Nô?

Còn chiếc gà mên? Trên nắp gà mên, người quá cố khắc chữ N; và một chữ O bao quanh chữ N. Dưới đít gà mên, một chiếc bông mai và dòng chữ:

“3/5/1975 CT

26/6/76 YB - HLS”

Không còn nghi ngờ gì nữa! Ðúng là ba! Những ký hiệu ít ỏi ấy đã tiết lộ đầy đủ danh tánh và hành trình của người tù cải tạo.

“Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, vào tù Cần Thơ ngày 3 Tháng Năm, 1975; chuyển sang trại thị xã Yên Bái, Hoàng Liên Sơn ngày 26 Tháng Sáu, 1976.”

Chỉ một dòng chữ ông không kịp ghi lại: Mùa Ðông năm 1977.

Mùa Ðông năm 1977, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô qua đời sau một đêm đau đớn, trúng độc vì uống nước luộc sắn.

Người đàn ông vẽ bản đồ

Giọng nói nhỏ nhẹ, cực kỳ nhỏ nhẹ, ông Lê Chu cho biết ông và Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô “cùng ở trong đội trồng rau xanh” hồi còn ở Hoàng Liên Sơn. “Hồi đó đói lắm. Không có rau mà ăn, nên phải ăn sắn. Người tù phải lấy đọt sắn luộc lên ăn thay rau.”

Ông Chu kể rằng có một lần, tù chính trị luộc vỏ sắn cho heo ăn, mấy con heo lăn ra chết. Thế là cả đội bị quản giáo nghi làm... CIA. “Sắn có chất độc. Ăn ít thì không sao. Hôm ấy, anh Nô đã uống cả nước luộc sắn.” Khuya, trại nghe lục đục cả đêm. Một ai đó phải đi trạm xá.

Sáng hôm sau, ông Chu biết tin có 2 người đã chết tối hôm qua. Một trong hai người này là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.

Một ngày sau, ông Chu mang xác bạn đi chôn.

“Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ lúc ấy lạnh lắm; chắc là Mùa Ðông. Mùa Ðông thì tù ăn sắn lưu niên.”

Ông Chu chôn bạn trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Và ông nhớ như in những nấm mồ ấy, để rồi gần 30 năm sau, trên nước Mỹ gần 300 triệu người này, ông lại tình cờ gặp đúng con gái của người bạn xấu số kia.

“Về sau, trại cho được vài bao xi măng. Chúng tôi làm cho bạn tấm bia.”

Ông Chu, cựu trung tá, đã từng phục vụ tại Liên Ðoàn Truyền Tin Quân Ðoàn Bốn, tốt nghiệp khóa 3, Thủ Ðức, hiện sinh sống cùng vợ và bảy người con tại Arlington, Texas.

Ông đã về hưu, sau một thời gian làm nhiều nghề, kể cả nghề mộc.

Nơi an nghỉ cuối cùng...

Cứ nhắc đến cha, Thảo lại khóc. Thảo gặp cha lần cuối cùng vào năm 1975.

Cứ nhắc đến mẹ, Thảo lại khóc. Mẹ của Thảo đã “ở vậy từ ngày cha vào tù.” Mẹ Thảo ở góa, làm nghề may vá nuôi sáu người con; 5 gái, 1 trai.

Thảo khóc vì thương cha, và vì “được cha thương nhất trong tất cả anh chị em.”

“Ngày xưa, mỗi lần đi xa về, cha luôn có đồ chơi cho các con.” Thảo kể trong nước mắt.

Từ ngày vào tù, cha vẫn có đồ chơi cho con, cho mỗi đứa con.

Mỗi lần mẹ vào tù thăm, cha lại gởi về 6 con vật nặn bằng đất sét.

Phần Thảo là con vịt; một con vịt bằng đất sét.

Ngày xác định được mộ cha, cả nhà không biết đưa cốt đi đâu. “Chỉ còn vài khúc xương.” Ba chồng Thảo kiên quyết: “Phải đem cốt vô nhà. Ðể tôi rước anh xui vô nhà.”

Thảo chạy ra sau vườn chôm chôm, khóc rấm rức. “Ở nhà bảo đừng khóc. Khóc làm người quá cố không thanh thản.”

Gia đình mang cốt ông đi thiêu, để xin giấy phép sang Hoa Kỳ.

Thảo lại khóc: “Thiêu là chết thêm một lần nữa.”

Thảo nói trong nước mắt: “Em khóc vì gặp lại cha. Khóc mà mừng, đau mà vui.”

Thảo kể: “Bàn chải chôn theo cha mòn hết, chỉ còn mấy sợi. Trên mấy cây viết, cây nào cũng có chữ N.”

Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô chào đời năm 1937, tại Bạc Liêu.

Ông gia nhập quân đội. Học khóa 13, Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Sang Hoa Kỳ tu nghiệp từ năm 1956 đến 1959.

Ông lập gia đình năm 1962.

Năm 1975, ông vào tù và “ở lại đấy” cho đến 31 năm sau.

Bây giờ, cả gia đình đã đoàn tụ; tại Hoa Kỳ.

Thiếu Tá Nô sẽ bắt đầu lần an nghỉ cuối cùng; trong một chiếc bình sành hình hoa sen.

Thiếu Tá Nô sẽ an nghỉ vĩnh viễn tại chùa Liên Hoa, thành phố Arlington, Texas, nơi ông sẽ được nghe kinh kệ mỗi sáng, mỗi trưa, và mỗi chiều.

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Tấm bia mộ cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn. (Hình: Nguyễn Thị Bích Thảo cung cấp) Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Bộ đồ dùng cá nhân, gồm muỗng, nĩa, và dao, khắc các chữ “N,” “V,” và “O,” là dấu hiệu khẳngđịnh danh tánh người quá cố
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Chiếc gà mên được chôn theo người quá cố, trên nắp khắc chữ N và một chữ O bao quanh chữ N. Dưới đít gà mên, một chiếc bông mai và dòng chữ: “3/5/1975 CT, 26/6/76 YB - HLS.”
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Hình chụp Thiếu tá Nguyễn Văn Nô khi còn tại ngũ
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Nguyễn Thị Bích Thảo, con gái “cưng” của cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, đang cầm trên tay chiếc bình sành đựng tro cốt của thân phụ. Hình chụp tại nhà Thảo, Wichita, Kansas

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Das Bernstein-amulett




Đã quá quen với cảnh chị em khóc rưng rức khi xem “ Tiếng chim hót trong bụi mận gai “ hoặc “ Cuốn theo chiều gió “ rồi . Thế nên tối qua cô bé ngồi cùng mắt đỏ hoe khi xem DVD drama “ Mặt dây chuyền hổ phách “ ( nguyên bản tiếng Đức là “Das Bernstein-amulett “ ) thì ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên . Bộ phim kể về mối tình của một cô gái người Đức Barbara với chàng sĩ quan người Nga Belyaev Misha . Cũng lâm ly, bi đát lắm … vì chuyện tình nào mà chả thế ! Song ta lại háo hức xem phim bởi một khía cạnh khác ! Bởi vì bối cảnh và nội dung của phim giống hệt VN thời sau 1975 ! Tưởng chừng sự so sánh rất vô lý và khập khiểng nhưng thật sự là vậy !

Bối cảnh phim dàn trải từ năm 1944 đến 1961 tại nước Đức . Barbara là con gái của một gia đình quý tộc giàu có , lấy chồng là nhà hóa học . Chiến tranh nên chồng đi ra trận chẳng hẹn ngày về . Rồi Đức thua trận và quân Nga tiến vào chiếm vùng gia đình Barbara sống . Người dân hồ hởi mang rượu ra chào đón nhưng những kẻ chiến thắng đã không thèm đếm xỉa đến họ . Những người lính Nga cục mịch, thô lỗ đã đập phá tượng đài nghệ thuật , cướp bóc của cải , đốt sách …
Cảnh này làm lien tưởng đến thời điểm quân giải phóng vào tiếp thu Sài gòn .

Rồi tất cả mọi người bị lùa vào công xã, tài sản bị sung công , thành quả lao động do chính mình làm ra nhưng không được quyền sử dụng . Giống hệt phong trào cưỡng ép vào Hợp tác xã và đi Kinh tế mới ở Việt nam . Cuộc sống trở nên bần cùng , thiéu thốn đủ thứ, ôm đau không có thuốc trị, phải đi mua ở chợ đen . Tiền bạc không có, phải bán cả nữ trang đi để mua mấy viên kháng sinh cho con .Nếu ai đã từng sống ở VN thời “ bao cấp “ thì sẽ hiểu sự thật này như thế nào . Tiếp đó là cảnh đấu tố , con gái kết án cha để cha bị đem ra xử bắn . Y chang đấu tố trong “ cải cách ruộng đất “ ở mình .



Trong thời gian người chồng của Barbara bị bắt làm tù binh thì Barbara đã ngã vào vòng tay của người sĩ quan quân Nga thắng trận . Khi chồng Barbara ra tù trở về với vợ thì vợ đã có con với người sĩ quan Nga kia . Nhưng chồng vẫn cam chịu im lặng chấp nhận , làm ra vẻ không biết gì để tiếp tục tồn tại . Họ lại có thêm với nhau 2 đứa con và muốn sống yên ổn trên mảnh đất cha ông để lại . Nhưng các biến cố tàn khốc dồn dập đã ụp lên gia đình họ , chồng Barbara là trí thức nên bị o ép , phải ngồi tù . Họ bị dồn đến tận cùng của sự tuyệt vọng , không còn lối thoát nào hơn là phải chạy sang phương Tây . Và người sĩ quan Nga Misha , người yêu của Barbara đã giúp cả gia đình họ vượt qua bức tường Berlin để tìm đến tự do …

Tất nhiên tác giả bộ phim này sẽ không biết đến VN thời sau 1975 ra sao . Họ , những người Đức chỉ dựng lại một giai đoạn lịch sử của chính đất nước họ - nước Đức bại trận sau chiến tranh . Thế nhưng sao mà giống VN đến lạ lùng ! Nhất là cảnh phân tán, nỗi đau trong một gia đình . Những người sĩ quan của quân đội miền Nam cũ cũng thế , khi ngồi trại cải tạo thì một số người vợ cũng ngã vào vòng tay của quân “ giải phóng “ . Rồi cảnh “ vượt biên “ …
Khi ta đưa ra nhận xét ấy thì một anh bạn , cũng là Đảng viên trả lời :
“ Dù khác nhau về thời gian và địa lý nhưng giống nhau ở một điểm : đó là cả 2 nước đều được những người Cộng sản giải phóng! Và hậu quả thì tất nhiên sẽ chỉ là một mà thôi ! Vì Cộng sản mãi cũng là CS ,dù có mũi tẹt da vàng hay da trắng mắt xanh !
Còn cái cô bé vừa xem phim, vừa dụi măt kia thì bênh vực :
“ Ơ , Cộng sản cũng có người tốt đấy chứ ! Như ông sĩ quan Nga kia chẳng hạn ! “

Nhớ lại một hôm ngồi nhậu , lúc ngà ngà rồi có đưa chuyện chính trị ra bàn luận . Một thằng em chống chế :
“ Sao mọi người cứ lôi quá khứ ra mà mổ xẻ mãi thế ? Có lên án thì cũng chả thay đổi gì lại được nữa rồi ! Sống cho hiện tại đi ! “
Ta nóng máu đập lại :
“ Chú nói ngu bỏ mẹ , phải nhắc đến quá khứ để khỏi lặp lại trong tương lai ! “
Nó chả giận, cười hềnh hệch :
“ Anh chỉ được cái cực đoan ! “
Ta khề khà , xoa đầu nó :
“ Thằng em đẹp trai thế này mà cũng là Đảng viên hả ? “
Mấy thằng em khác nhao nhao :
“ Nó còn là Bí thư chi bộ nữa đấy anh ạ ! Được cái mang tiếng là Đảng viên nhưng thằng này tốt , gái theo ầm ầm !!! “
“ Đảng viên nhưng mà tốt ! “ Láo toét,cái bọn này xỏ xiên thật !!!

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Người Đi Như Nắng Phai...




Chép tặng một người ...


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

" Cánh buồm đỏ thắm ..."




Thằng em cười hô hố khi ta nhờ nó cài “ Cánh buồm đỏ thắm “ vào Pocket PC :
“ Đến giờ mà vẫn còn “ Cánh buồm đỏ thắm “ nữa hả ? Mà em có ebook bản tiếng Việt đấy , em save vào Laptop cho ! “
“ Kệ tao , tao muốn đọc lại nguyên bản từ tiếng Nga cơ ! Và cài vào pocket cho tiện , khỏi phải ôm laptop nặng nề ! “
Và thế là đêm đêm , ta nhét headphone vô tai nghe Khánh Ly và “ Sơn ca 7 “ cũ mèm từ cái máy Wankman MD cổ lổ , tay cầm PC lỗi thời đọc “ Cánh buồm đỏ thắm “ kinh điển … Cái gì cũng cũ , ngay cả bản thân mình !!!
Có ai đó đã nói là đến tuổi 30 mà vẫn còn nghe “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ …” thì phải xem xét lại vấn đề “ thần kinh “ . Ta thì chẳng những mãi thả mình với " cánh vạc " , với những” nắng thủy tinh” , với “ mi cong, cỏ mượt “ … mà còn thổn thức cùng trái tim cô bé 15 tuổi A xôn ngóng chờ cánh buồm đỏ thắm từ biển xanh mang tình yêu tới ( Loại như mình mà ở Việt nam chắc bị " cưỡng ép" đi Trâu Quỳ mất thôi !!!)

Đêm thứ tư rạng sang thứ 5, xem TV truyền trực tiếp trận bóng đá giữa Anh và Croatia . Khi trận đấu còn 3 phút cuối cùng , vì căng thẳng quá ta phải bỏ ra hành lang đứng, không đủ can đảm để xem nốt . Lạnh quá nên phải chui vào thang máy , bấm chạy lên, chạy xuống vô định mấy lượt rồi mới dám quay về phòng . Khi biết Croatia vẫn thắng, ta nhảy tưng tưng , hò hét như con trẻ và lôi bia rượu ra nốc suốt đêm . Thằng em lắc đầu :
“ Chịu bố thôi ! Cứ “ sống mãi tuổi 20 “ như Nguyễn Văn Thạc ấy ! “
Hôm nay tình cờ đọc lại “ Khúc màu thu “ của ai đó :

" Vẫn biết ta bây giờ không trẻ nữa


Sao thương ai ở mãi cung Hằng


Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế


Đâu chịu nhạt nhòa khi tới giữa mùa trăng…”

Không , trong ta vẫn luôn “ ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì “ .
Vì thế vẫn vẩn vơ mơ mãi về một cánh buồm …