Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

" Đất ôm anh đi vào cội nguồn ..."




“ Khi đất nước tôi không còn giết nhau
Mẹ già lên núi tìm xương con mình …” ( Tôi sẽ đi thăm – T.C.S.)


Có một lần đi trên đường Điện Biên Phủ , chỉ công viên Lê Văn Tám cho cô bé đi cùng xe :

“ Trước đấy là nghiã trang Mạc Đĩnh Chi ,nơi chôn cất toàn tướng lĩnh cao cấp và người giàu của miền Nam đó em ! “

Cô bé hồn nhiên trả lời :

“ Dạ, em nghe ba em kể là ở Biên Hòa còn có nghĩa trang lính Ngụy lớn lắm nữa , giờ bị phá rồi ! “

Nghe giọng nói vô tư của cô bé mà chạnh lòng . Ba của cô bé đã từng là một sĩ quan cấp úy của chế độ miền Nam cũ , cũng từng lăn lóc ở trại cải tạo sau 75 . Nhưng đối với lớp trẻ sau này thì khái niệm chiến tranh đã quá xa vời và nhận thức về lịch sử cũng mơ hồ như thế . Chỉ biết lắc đầu :

“ Em không nên dùng từ " Ngụy" nữa ! Nói vậy , lỡ ba em nghe thấy, ba buồn ! “

Cô bé bẽn lẽn gật đầu :

“Dạ , em sẽ ráng nhớ ! “

Vô tình đọc bài viết về chuyện đi tìm mộ của những người sĩ quan miền Nam chết trong thời gian bị giam giữ " cải tạo " ngoài Bắc . Đọc mà rùng mình bởi một nỗi niềm xót xa , thương cảm … Rồi ai cũng trở về với cát bụi , “ không hận thù nằm chết như mơ “ … Không còn chiến tuyến với những sự đối đầu về lý tửong , về chính trị … Chỉ còn là những hình hài da vàng, mũi tẹt hòa thân vào lòng đất Mẹ Việt nam … Nhưng sao vẫn còn sự phân chia khác biệt sau khi giã từ cõi đời ? Những người lính phía " Cách mạng" hy sinh đã và đang được đem về với gia đình . Ngay cả với cả những người lính Mỹ cũng vậy . Chỉ còn những người lính miền Nam vẫn vất vưởng , vô danh …Chỉ vì họ là kẻ bại trận , bị miệt danh là “ Ngụy “ thôi sao ? Tại thủ đô Mỹ vẫn có nghĩa trang và tưởng đài kỷ niệm những người lính miền Nam thua trận trong cuộc nội chiến Nam – Bắc của lịch sử nước Mỹ . Ở Nga vẫn có nghĩa trang lính Đức và ngược lại ở Đức vẫn có nghĩa địa lính Xô viết bỏ mình trong cuộc chiến chống lại nhau . Tất cả các nghĩa trang đấy đều được chăm sóc chu đáo , các vị lãnh đạo quốc gia vẫn đến thăm viếng , dân chúng vẫn mang hoa tới mà không cần chờ phải đến dịp lễ hội gì … Còn mỗi nước mình …

" Con ngủ đi con
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương .
Hai mươi năm đàn con đi lính
Đi rồi không về, đứa con da vàng cuả mẹ .
Ngủ đi con .
Ru con, ru đã hai lần
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay ... "


Copy tiếp theo từ báo NgườiViệt một bài viết về cuộc hành trình của người con gái đi tìm cha … Không có dính dáng gì “ chính trị “ ở đây cả ! Chỉ còn lại … tình người !!!


31 năm sau, người lính ấy về với gia đình...


Nguyễn Thị Bích Thảo:

“Gia đình nhận giấy báo tử năm 1980, nhưng không biết ba được chôn ở đâu.”

“Ba cháu tên Nô. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.”

Trung Tá Lê Chu:

“Chính bác đã chôn ba cháu năm 1977, trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

31 năm sau, người thiếu nữ ấy đã tìm lại được cha mình!

Cô không ôm choàng lấy cha, “cao lớn, ngăm đen,” như ký ức cô vẫn nhớ về ông.

Cô ôm lấy chiếc bình sứ, hình hoa sen, bên trong đựng tro cốt cha. Cuối cùng, từ Hoa Kỳ, cô đã tìm lại được cha mình mãi tận Hoàng Liên Sơn xa xôi.

Cô tìm lại cha trong một tình cờ của cuộc sống. Cô khóc: “Cuối cùng, cha đã về lại với chúng tôi!”

Texas, một ngày Mùa Xuân...

Người thiếu nữ ấy có tên Nguyễn Thị Bích Thảo. Cô nhớ như in một ngày cuối Tháng Ba, 2006. Từ Kansas, Thảo dắt hai con trai, 16 và 6 tuổi, về Arlington, Texas, thăm bà ngoại và gia đình người em gái. Sau khi thăm gia đình, Thảo chuẩn bị về lại Kansas. Tai nạn xe, Thảo phải đưa con trai đến một bác sĩ Việt Nam tại thành phố Arlington.

Trong lúc ngồi đợi tại phòng khám. Thảo lân la bắt chuyện cùng một người đàn ông “trạc tuổi cha mình,” đang đưa vợ đi khám bệnh.

Thảo không bao giờ nghĩ rằng câu chuyện bâng quơ ấy, cuối cùng, sẽ đóng lại nỗi dằn vặt trong lòng mình.

“Bác ở đây?”

“Cháu ở Kansas.”

“Cháu qua Mỹ năm 1993.”

“Dạ, trước đây ba cháu cũng ở trong quân đội.”

“Ba cháu cũng ở tù Hoàng Liên Sơn.”

“Gia đình nhận giấy báo tử năm 1980, nhưng không biết cha được chôn ở đâu.”

“Ba cháu tên là Nguyễn Văn Nô. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.”

Im lặng giây lát, người đàn ông đang ngồi trước mặt Thảo, điềm đạm: “Chính bác đã chôn ba cháu. Trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

Thảo không tin hẳn. Làm sao có sự tình cờ như thế. Làm sao, trong cái phòng bác sĩ nhỏ bé của thành phố Arlington này, lại có một người khẳng định đã chôn cất cha mình trong một Mùa Ðông gần 30 năm trước.

Nhưng người đàn ông ấy khẳng định như vậy. Và ông vẽ vội một bản đồ chỉ đường đi đến đồi Cây Khế!

Kỷ vật người quá cố

Quả thật, có một ngọn đồi mang tên “Cây Khế” tại Hoàng Liên Sơn!

Từ Hoa Kỳ, Thảo gởi $500 cho người anh rể của chồng mình, đang sinh sống tại Cần Thơ. Người anh rể sẽ đi tìm ngôi mộ của “Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, chôn trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.”

“Mọi chuyện đều suông sẽ, chắc có cha phù hộ.” Thảo cho biết. Từ Cần Thơ, người anh rể đi Sài Gòn. Từ Sài Gòn, anh ra Hà Nội. Và từ Hà Nội, anh đi xe lửa lên Hoàng Liên Sơn. “Anh đến được ngay cái nhà vẽ trên giấy. Anh gặp chủ nhà, một người đàn ông tốt bụng, đã giữ gìn toàn bộ mồ mả của những tù nhân đã chết, được chôn tại đây.”

Một giờ sáng tại Hoa Kỳ, Thảo nhận điện thoại của người anh: “Ðã tìm được mộ cha!”

Thảo vẫn chưa tin. Không thể đơn giản như thế được; gần 30 năm rồi còn gì!

Dưới nấm mộ nông kia, vài mảnh xương của người quá cố được chôn cùng một đôi dép râu, một đôi dép nhựa vá chằng chịt bằng dây chì, một gà mên, muỗng, nĩa, dao, bàn chải đánh răng, chiếc lược, và ba cây viết.

Chắc hẳn người ta đã dùng đầu đinh để khắc dấu trên các vật dụng...

Trên chiếc muỗng có chữ N.

Trên cái nĩa có chữ V.

Trên con dao có chữ O.

N, V, O? Nguyễn Văn Nô?

Còn chiếc gà mên? Trên nắp gà mên, người quá cố khắc chữ N; và một chữ O bao quanh chữ N. Dưới đít gà mên, một chiếc bông mai và dòng chữ:

“3/5/1975 CT

26/6/76 YB - HLS”

Không còn nghi ngờ gì nữa! Ðúng là ba! Những ký hiệu ít ỏi ấy đã tiết lộ đầy đủ danh tánh và hành trình của người tù cải tạo.

“Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, vào tù Cần Thơ ngày 3 Tháng Năm, 1975; chuyển sang trại thị xã Yên Bái, Hoàng Liên Sơn ngày 26 Tháng Sáu, 1976.”

Chỉ một dòng chữ ông không kịp ghi lại: Mùa Ðông năm 1977.

Mùa Ðông năm 1977, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô qua đời sau một đêm đau đớn, trúng độc vì uống nước luộc sắn.

Người đàn ông vẽ bản đồ

Giọng nói nhỏ nhẹ, cực kỳ nhỏ nhẹ, ông Lê Chu cho biết ông và Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô “cùng ở trong đội trồng rau xanh” hồi còn ở Hoàng Liên Sơn. “Hồi đó đói lắm. Không có rau mà ăn, nên phải ăn sắn. Người tù phải lấy đọt sắn luộc lên ăn thay rau.”

Ông Chu kể rằng có một lần, tù chính trị luộc vỏ sắn cho heo ăn, mấy con heo lăn ra chết. Thế là cả đội bị quản giáo nghi làm... CIA. “Sắn có chất độc. Ăn ít thì không sao. Hôm ấy, anh Nô đã uống cả nước luộc sắn.” Khuya, trại nghe lục đục cả đêm. Một ai đó phải đi trạm xá.

Sáng hôm sau, ông Chu biết tin có 2 người đã chết tối hôm qua. Một trong hai người này là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô.

Một ngày sau, ông Chu mang xác bạn đi chôn.

“Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ lúc ấy lạnh lắm; chắc là Mùa Ðông. Mùa Ðông thì tù ăn sắn lưu niên.”

Ông Chu chôn bạn trên đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Và ông nhớ như in những nấm mồ ấy, để rồi gần 30 năm sau, trên nước Mỹ gần 300 triệu người này, ông lại tình cờ gặp đúng con gái của người bạn xấu số kia.

“Về sau, trại cho được vài bao xi măng. Chúng tôi làm cho bạn tấm bia.”

Ông Chu, cựu trung tá, đã từng phục vụ tại Liên Ðoàn Truyền Tin Quân Ðoàn Bốn, tốt nghiệp khóa 3, Thủ Ðức, hiện sinh sống cùng vợ và bảy người con tại Arlington, Texas.

Ông đã về hưu, sau một thời gian làm nhiều nghề, kể cả nghề mộc.

Nơi an nghỉ cuối cùng...

Cứ nhắc đến cha, Thảo lại khóc. Thảo gặp cha lần cuối cùng vào năm 1975.

Cứ nhắc đến mẹ, Thảo lại khóc. Mẹ của Thảo đã “ở vậy từ ngày cha vào tù.” Mẹ Thảo ở góa, làm nghề may vá nuôi sáu người con; 5 gái, 1 trai.

Thảo khóc vì thương cha, và vì “được cha thương nhất trong tất cả anh chị em.”

“Ngày xưa, mỗi lần đi xa về, cha luôn có đồ chơi cho các con.” Thảo kể trong nước mắt.

Từ ngày vào tù, cha vẫn có đồ chơi cho con, cho mỗi đứa con.

Mỗi lần mẹ vào tù thăm, cha lại gởi về 6 con vật nặn bằng đất sét.

Phần Thảo là con vịt; một con vịt bằng đất sét.

Ngày xác định được mộ cha, cả nhà không biết đưa cốt đi đâu. “Chỉ còn vài khúc xương.” Ba chồng Thảo kiên quyết: “Phải đem cốt vô nhà. Ðể tôi rước anh xui vô nhà.”

Thảo chạy ra sau vườn chôm chôm, khóc rấm rức. “Ở nhà bảo đừng khóc. Khóc làm người quá cố không thanh thản.”

Gia đình mang cốt ông đi thiêu, để xin giấy phép sang Hoa Kỳ.

Thảo lại khóc: “Thiêu là chết thêm một lần nữa.”

Thảo nói trong nước mắt: “Em khóc vì gặp lại cha. Khóc mà mừng, đau mà vui.”

Thảo kể: “Bàn chải chôn theo cha mòn hết, chỉ còn mấy sợi. Trên mấy cây viết, cây nào cũng có chữ N.”

Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô chào đời năm 1937, tại Bạc Liêu.

Ông gia nhập quân đội. Học khóa 13, Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Sang Hoa Kỳ tu nghiệp từ năm 1956 đến 1959.

Ông lập gia đình năm 1962.

Năm 1975, ông vào tù và “ở lại đấy” cho đến 31 năm sau.

Bây giờ, cả gia đình đã đoàn tụ; tại Hoa Kỳ.

Thiếu Tá Nô sẽ bắt đầu lần an nghỉ cuối cùng; trong một chiếc bình sành hình hoa sen.

Thiếu Tá Nô sẽ an nghỉ vĩnh viễn tại chùa Liên Hoa, thành phố Arlington, Texas, nơi ông sẽ được nghe kinh kệ mỗi sáng, mỗi trưa, và mỗi chiều.

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Tấm bia mộ cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, đồi Cây Khế, xã Việt Cường, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn. (Hình: Nguyễn Thị Bích Thảo cung cấp) Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Bộ đồ dùng cá nhân, gồm muỗng, nĩa, và dao, khắc các chữ “N,” “V,” và “O,” là dấu hiệu khẳngđịnh danh tánh người quá cố
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Chiếc gà mên được chôn theo người quá cố, trên nắp khắc chữ N và một chữ O bao quanh chữ N. Dưới đít gà mên, một chiếc bông mai và dòng chữ: “3/5/1975 CT, 26/6/76 YB - HLS.”
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Hình chụp Thiếu tá Nguyễn Văn Nô khi còn tại ngũ
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Nguyễn Thị Bích Thảo, con gái “cưng” của cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nô, đang cầm trên tay chiếc bình sành đựng tro cốt của thân phụ. Hình chụp tại nhà Thảo, Wichita, Kansas

13 nhận xét:

  1. Chip, em lo cho bac Gau qua. Co nhieu trieu chung cua tuoi gia. May entry gan day tu bo het sech siec, toan noi ve nhung van de mang nang tinh hoai co. Chip chip..

    Trả lờiXóa
  2. Đồng cảm với anh về vấn đề này. Ai cũng là con người mà, sao lại phải phân biệt như vậy. VN mình thật chậm phát triển quá mức :(

    Trả lờiXóa
  3. Chiến tranh đã lùi xa quá rồi , mọi chuyện giờ đã là quá khứ , một quá khứ cũng không kém phần đau thương . Chiến tranh , đất nước bị chia cắt tàn phá , những thứ ấy giờ thuộc về quá khứ , những con người sống trong thời ấy giờ cũng đa phần mắt mờ chân rung . Lớp trẻ thì không biết gì đến cái gọi là chiến tranh , đau thương mất mát .
    Vậy sao không quên đi tất cả những gì không tốt đẹp trong quá khứ để sống cho hôm nay và ngày mai . Những ai còn sống bất kể là đã từng ở chiến tuyến nào và những ai được sinh ra thời nay cũng nên chỉ biết tưởng nhớ và chăm nom những mất mát của ngày xưa , bới xới xem những người nằm kia thuộc phe nào để xem có xứng đáng mà tưởng nhớ hay không thì được cái ích lợi gì chứ .
    Thời thế như thế thì con người ta phải sống như thế , chắc gì người ta đã muốn . Thế nên hãy để quá khứ ngủ yên và những người nằm xuống được yên giấc , dù họ là ai !

    Trả lờiXóa
  4. Trên BBC ngày xưa có 1 bài về Nghĩa Trang QĐVNCH, đọc mà thương cảm.
    Nhớ lần vào SG, đi ngang qua công viên LVT, bạn tớ bảo "Ngày xưa đây là nghĩa trang QĐ, về sau họ phá đi làm công viên", thấy gai hết cả người!!

    Trả lờiXóa
  5. dài quá, nhưng chăm chút bài viết quá nhỉ? Hì hì!

    Trả lờiXóa
  6. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
    Để một mai tôi về làm cát bụi
    Ôi cát bụi mệt nhoài
    Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
    Bao nhiêu năm làm kiếp con người
    Chợt một chiều tóc trắng như vôi
    Lá úa trên cao rụng đầy
    Cho trăm năm vào chết một ngày ...
    Đọc mà thấy nghèn nghẹn ở cổ. Người ta nói rằng trong cuộc chiến khống có người thắng kẻ thua, mà chỉ là sự mất mát của cả hai bên. Nghe thấy cả tiếng thở dài của con tim anh!!!

    Trả lờiXóa
  7. đọc bài thật cảm động . Ông Nguyễn Cao Kỳ về VN cũng yêu cầu nhà nước VN ko gọi là Ngụy nữa mà chuyển sang gọi là chế độ cũ hay chính quyền SG nhưng rất tiếc báo chí VN vẫn gọi là Ngụy

    Trả lờiXóa
  8. Biết là phải có tấm lòng, biết là phải có tình người.
    Nhưng nếu cái gì cũng có lý, có tình, vẹn cả đôi đường thì đã chẳng làm nên cuộc sống, chẳng có chiến tranh, chẳng có người hy sinh để có những câu chuyện cho anh và những người khác chạnh lòng.
    Vì là con người nên sẽ có yêu, có ghét, có hận thù chứ???
    Nếu anh được sinh ra là một người con của một chiến sỹ CS đã hy sinh thì dù anh là một con người nhân hậu thế nào, cũng khó mở miệng nói rằng tôi thương kẻ thù của tôi lắm (dù lý thuyết sách vở thì có thể).
    Nhiều khi sự hận thù có thể bóp nghẹt lý trí nhưng đó là những cung bậc đấu tranh tình cảm. Không thể chỉ ngồi đó mà phán xét Tổ quốc mình chậm phát triển vì điều đó được.

    Trả lờiXóa
  9. Lop tre ngay nay, mac du bi mang tieng mu` mo` ve lich su, nhung it ra, do' cung la` 1 dau hieu da'ng mung khi giua ho. ko co`n mang na.ng ne` ca'i qua khu dau buon no`i da xa'o thi.t
    Cuoc chien nao roi cung co luc tan, chi? tiec 1 dieu, ke? tha'ng cuo.c la.i ha`nh xu*? nhu* 1 te^n tie^?u nha^n bi? o?i. Huynh truong noi dung, WW II du co ket thuc, nhu*ng chi? nhung ke mang toi ac voi nhan loai moi bi. dem ra xu? theo CONG UOC QUOC TE, Vietnam ko co' cong uoc quoc te ...
    Chi? tiec 1 dieu, ke? tha'ng cuo.c tra? thu` nguoi anh em cu?a mi`nh 1 ca'ch ta`n nha~n, trong khi do' la.i khu'm nu'm, a'p u'ng khi bi. te^n da`n anh ngang nhien tuo'c doat cua ca?i cha ong de? la.i. Ma.nh duo.c- Ye'u thua ... Lieu do' la` le~ so'ng o? do`i hah huynh?

    Trả lờiXóa
  10. Sweet Tears, bài viết của bạn rất ý nghĩa, chan chứa tình người. Nếu tôi đoán không lầm q

    Trả lờiXóa
  11. Sweet Tears, bài viết của bạn rất ý nghĩa, chan chứa tình người. Nếu tôi đoán không lầm qua các bài viết trước của bạn, bạn là người sinh ra và lớn lên dưới chế độ XHCN. Nếu đúng vậy, tôi càng khâm phục bạn.

    Trả lờiXóa
  12. quá xúc động,đây là entry đầu tiên của 360 tôi đọc mà nổi gai ốc,cảmgiác thật khó tả,thanks anh thật nhiều.

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết quá hay. Những sự kiện tưởng chừng như không có thực đã đến và trở thành điều kỳ diệu cho tất cả mọi người.

    Trả lờiXóa